Vợ chồng A Phủ – tác phẩm kinh điển của nhà văn Tô Hoài được xây dựng từ nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ ở khu vực Tường Sơn, Châu Phù Yên nay là huyện vùng cao Bắc Yên, Sơn La. Trong hành trình khám phá mảnh đất Sơn La, du lịch Khát Vọng Việt sẽ giới thiệu đến bạn một trong những vùng đất còn giữ nhiều nét hoang sơ, yên bình, nơi có hang A Phủ được xem là địa điểm vợ chồng A Phủ từng trốn khỏi ách của cha con thống lý Pá Tra đó chính là xã Hồng Ngài. Vậy nơi đây có gì đặc biệt mà thu hút du khách đến vậy, hãy cùng Khát Vọng Việt tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Mục lục:
Khái quát về xã Hồng Ngài
Hồng Ngài là một xã thuộc thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên Sơn La, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Mông. Các bản làng nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của đồng bào người Mông Sơn La nói riêng và người Mông vùng núi phía Bắc nói chung.
Theo tiếng người Mông, Hồng Ngài mang nghĩa là Đá đỏ. Tên gọi Hồng Ngài gắn với một truyền thuyết của bản làng. Theo đồng bào nơi đây chia sẻ người Mông, người Dao, người Hà Nhì chăm chỉ làm nương quanh năm rồi bỗng cái rét ùa về làm cho những căn nhà tranh vách nứa không chịu được sức gió lạnh mà bị đổ hết, lương thực trong nhà không còn nhiều. Cái đói cái rét kéo đến suốt thời gian dài khiến cho rất nhiều người già và trẻ nhỏ trong bản bị chết. Cùng với đó thổ phỉ kéo đến tàn phá bản làng khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khổ cực. Chính vì vậy Trời sai thần Hồng Ngài xuống dạy cho dân cách xây nhà trình tường bằng đất đỏ để chống cái rét và giặc dữ. Kể từ đó để tưởng nhớ đến vị thần năm xưa dân làng đã quyết định lấy tên Hồng Ngài để đặt cho bản làng mình.
Hiện nay tại Hồng Ngài có khoảng 71 ngôi nhà trình tường vững chãi và kiên cường. Ngoài ra còn có nhiều ngôi nhà trình tường mới được xây nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tạo nên vẻ đẹp thời gian của vùng đất này. Đặt chân đến xã Hồng Ngài bạn sẽ có dịp khám phá bản Đung, bản Giàng, bản Suối Tếnh,…trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người Mông, chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang, cùng dân bản địa tham gia gặt lúa, nấu ăn và làm nghề truyền thống.
Xem thêm:
Trước đây cuộc sống của đồng bào nơi đây còn khó khăn nhưng hiện nay khi đặt chân đến Hồng Ngài bạn sẽ cảm nhận được nơi đây thay đổi từng ngày, xuất hiện các điểm thương mại dịch vụ, trạm y tế, trụ sở hành chính, trường học và các cửa hàng tạp hóa,…khang trang và kiên cố.
Đường đến Hồng Ngài như thế nào?
Để di chuyển đến Hồng Ngài bạn có thể đi theo 3 hướng khác nhau như:
- Hướng 1: Từ Hà Nội bạn di chuyển theo hướng tới Trạm Tấu Yên Bái qua con đường liên thông giữa hai tỉnh Sơn La – Yên Bái để đến với xã Hồng Ngài, Bắc Yên
- Hướng 2: Đến Thành phố Sơn La bạn di chuyển theo hướng Bắc Yên qua đèo Chẹn đến thị trấn Bắc Yên – Hồng Ngài, Bắc Yên.
- Hướng 3: Bạn di chuyển theo hướng Mường Cơi, Phù Yên để đến Hồng Ngài.
Khám phá Hang A Phủ – điểm du lịch nổi tiếng ở Hồng Ngài
Hang A Phủ là điểm đến nổi bật nhất tại Hồng Ngài mà bất cứ du khách nào khi đến đây đều không thể bỏ qua. Hang A Phủ nằm trong núi U Bò, thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài gồm 2 cửa nằm ở phía Đông và Tây nối thông nhau chia thành 3 khoang. Hang A Phủ còn được gọi là hang Thẳm Cốp, theo tiếng người Thái nghĩa là Hang Ếch.
Hang có chiều dài khoảng 200m, lối vào hang nhỏ hẹp ít ánh sáng; càng đi sâu vào trong càng rộng, trần hang cao trung bình khoảng 20 -40m, rộng 15 – 30m. Hang A Phủ là hang đá tự nhiên nên giữ được nhiều nét hoang sơ, nền hang gồ ghề hơi dốc, xung quanh hang với nhiều nhũ đá tuyệt đẹp với nhiều hình dáng khác nhau. Khoang 2 và 3 có độ sâu trung bình 10 – 15m sức chứa lên đến khoảng 40 người
Hang A Phủ gắn với tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ, đây là nơi trú ẩn của Mỵ và A Phủ khi bỏ trốn khỏi thống lý Pá Tra. Tình yêu của họ đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ và định kiến của xã hội theo ánh sáng của Đảng đến khu du kích Phiềng Sa tham gia phong trào cách mạng. Năm 1961 Hang A Phủ chính là nơi lấy bối cảnh quay tác phẩm điện ảnh Vợ Chồng A Phủ kể từ đó nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, khám phá.
Với địa hình phức tạp, hang cũng là nơi diễn ra Đại hội Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu chọn đóng quân và cất giữ vũ khí trong 2 ngày để tìm cách vượt sông Đà chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Hang A Phủ không chỉ có ý nghĩa về mặt cảnh quan mà còn có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn học nên được chính quyền giữ gìn bảo vệ, làm đường bậc thang từ chân núi đến hang để du khách thuận tiện tham quan.
Xã Hồng Ngài – quê hương của A Phủ ngày càng được chú trọng đầu tư, xây dựng đón du khách đến với bản làng. Du lịch Khát Vọng Việt hi vọng rằng với những chia sẻ trên bạn sẽ có những thông tin hữu ích nhất về vùng đất Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La. Nếu có dịp du lịch Sơn La bạn đừng quên ghé thăm vùng đất yên bình này nhé!